Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2015

Bài 47 - Danh Xưng Các Phi-Tần Dưới Triều Quân Chủ Việt-Nam

(Biên soạn theo các tài liệu dẫn chứng trên internet).
Ở Việt-Nam cũng có rất nhiều danh xưng dành cho phi-tần.
Cuốn Đại-Việt Thông-Sử do Lê Quý-Đôn biên soạn có đoạn viết: "Quốc thống ta nếu vấn cứ theo như ngày xưa, phong tục cũ chưa thay đổi thì có Đinh Tiên Hoàng lập 5 Hoàng-hậu, Lý Thái Tổ lập 6 Hoàng-hậu, lại lập thêm 3 Hoàng-hậu nữa, Lý Thái Tông lập 7 Hoàng-hậu". Từ thời Lý Thánh Tông, do có sự tiếp thu Nho-giáo, Hoàng-đế thường chỉ sách-lập một Hoàng-hậu tại vị, phẩm giai của các phi-tần trong nội cung cũng có sự quy định rạch ròi.
Dưới triều nhà Lý, Lý Thái Tông quy định số hậu-phi và cung nữ. "Hoàng-hậu và phi tần 13 người, Ngự nữ 18 người, Nhạc kỷ 100 người". Sử sách không ghi chép cụ thể về thứ bậc của các tước vị, nhưng dựa theo ghi chép vào các đời vua Thánh Tông, Thần Tông, Anh Tông, hậu cung nhà Lý có Nguyên phi tước vị đứng đầu hàng phi, kế dưới có Thần phi, Quý phi, Đức phi, Thục phi, Hiền phi. Dưới hàng phi là hàng Phu nhân, thường được ban 2 chữ làm phong hiệu như: Ỷ Lan, Cảm Thánh, Phụng Thánh, Thuận Trinh,
Hậu cung nhà Trần sắp xếp thứ bậc, danh phận theo cách gọi của nhà Lý.
Triều nhà Lê sơ đặt ra các tước vị:
- Tam phi: Quý phi, Minh phi, Kính phi.
- Cửu tần: Chiêu nghi, Chiêu dung, Chiêu viên, Tu nghi, Tu dung, Sung nghi, Sung dung, Sung viên.
- Lục chức: Tiệp dư, Dung hoa, Tuyên vinh, Tài nhân, Lương nhân, Mỹ nhân.
Các vị Hoàng-đế nhà Lê sơ có lệ không lập Hoàng hậu, chỉ lấy bậc phi đứng đầu cai quản công việc hậu cung.
Triều nhà Nguyễn theo lệ cũ nhà Lê không lập Hoàng hậu, trừ trường hợp Nguyễn Thế Tổ sách lập người vợ thuở hàn vi là Thừa Thiên Cao Hoàng hậu. Và Nam Phương Hoàng hậu, vị Hoàng hậu cuối cùng của Việt-nam được vua bảo-Đại sách lập, vị hoàng đế chịu ảnh hưởng của văn hóa phương tây. Tất cả vợ chính của các Hoàng đế từ Nguyễn Thánh Tổ đến Nguyễn Hoằng Tông như các bà Nghi Thiên Chương Hoàng hậu, Lệ Thiên Anh Hoàng hậu, Phụ Thiên Thuần Hoàng hậu đều chỉ là Hoàng quý phi.
Hoàng quý phi ở trên bậc Nhất giai, giúp Hoàng Thái hậu coi sóc, chỉnh tề công việc nội cung, được coi là mẹ đích của tất cả các Hoàng tử và Hoàng nữ. Sau khi Hoàng đế qua đời, Hoàng quý phi được tôn làm Hoàng Thái hậu, sau khi qua đời được thụy hiệu là Hoàng hậu. Chính vì thế, Hoàng quý phi cũng là chức danh cao nhật trong hậu cung nhà Nguyễn.
Vào đầu thời nhà Nguyễn, phi tần nội cung được quy định theo thứ bậc như sau: "Lúc quốc sơ định lệ quân giai:
- Tam phi là Quý phi, Minh phi, Kính phi.
- Tam Tu là Tu nghi, Tu dung, Tu viên.
- Cữu tần là Quý tần, Hiền tần, Trang tần, Đức tần, Thục tần, Huệ tần, Lệ tần, An tần, Hòa tần.
- Tam chiêu là Chiêu nghi, Chiêu dung, Chiêu viên.
- Tam sung là Sung nghi, Sung dung, Sung viên.
- Lục chức là Tiệp dư, Dung hoa, Nghi nhân, Tài nhân, Linh nhân, Lương nhân.
Đến năm Minh-Mạng thứ 17 (1836), Thành Tổ Hoàng đế có chỉ dụ để đặt lại thứ bậc của nội cung như sau:
- Hoàng quý phi
- Nhất giai phi: Quý phi, Hiền phi, Thần phi.
- Nhị giai phi: Đức phi, Thục phi, Huệ phi.
- Tam giai tần: Quý tần, Hiền tần, Trang tần.
- Tứ giai tần: Đức tần, Thục tần, Huệ tần.
- Ngũ giai tần: Lệ tần, An tần, Hòa tần.
- Lục giai: Tiệp dư.
- Thất giai: Quý nhân.
- Bát giai: Mỹ nhân.
- Cửu giai: Tài nhân.
- Tài nhân vị nhập giai.
- Cung nga thế nữ.
Lại xuống dụ: "Trước đã chuẩn định nội cung chín bậc, trong đó có Dức phi, nay đổi làm Gia phi".
Các tước vị vừa kể không cố định mà thường thay đổi qua các triều hoặc ngay trong cùng một triều. Khoảng 2 năm sau khi ban hành quy định trên, năm Minh-Mạng thứ 19 (1838), Thánh Tổ Hoàng đế lại có chỉ dụ thay đổi vị trí của bậc Ngũ giai như sau: "Nguyên trước định lệ cung giai: Lệ tần, An tần, Hòa tần cùng là bậc ngũ giai, nay đổi làm An tần, Hòa tần, Lệ tần". Cũng trong năm này, danh xưng của các phi tần trong 9 bậc lại có sự thay đổi như sau:
- Hoàng quý phi.
- Nhất giai phi: Quý phi, Đoan phi, Lệ phi.
- Nhị giai phi: Thành phi, Tính phi, Thục phi.
- Tam giai tần: Quý tần, Lương tần, Đức tần.
- Tứ giai tần: Huy tần, Ý tần, Nhu tần.
- Ngũ giai tần: Nhân tần, Nhã tần, Thuận tần.
- Từ lục giai Tiệp dư xuống đến Thất giai Quý nhân, Bát giai Mỹ nhân, Cữu giai Tài nhân, vị nhập giai và cung nga Thế nữ không thay đổi.
Năm Thiệu-Trị thứ 14 (1843), Hiến Tổ Hoàng đế lại cho đổi, gọi "Đoan phi làm Lương phi, vì chữ "Lương" đã được đưa lên tấn phong cho bậc Nhất giai, nên"Lương tần" ở Tam giai được đổi thành "Thụy tần".
Quốc Sử Quán đã ghi rõ trong sách "Đại Nam Thực Lục" rằng vào tháng 5 Tự-Đức thứ 3, tức là tháng 6 năm 1850, Anh Tông Hoàng đế xuống dụ "Định rõ thứ bậc ở nội cung". Theo tờ dụ này, "Về Hoàng quý phi trở lên, đã có lệ sẵn", còn từ phi tần trở xuống, thì chia làm các bậc với các danh xưng và mỹ từ như sau:
- Nhất giai phi: Thuận phi, Thiện phi, Nhã phi.
- Nhị giai phi: Cung phi, Cần phi, Chiêu phi.
- Tam giai tần: Khiêm tần, Thận tần, Nhân tần, Thái tần.
- Tứ giai tần: Khoan tần, Giai tần, Tuệ tần, Giản tần.
- Ngũ giai tần: Tĩnh tần, Cấn tần, Tín tần, Uyển tần.
- Lục giai Tiệp dư.
- Thất giai Quý nhân.
- Bát giai Mỹ nhân.
- Cửu giai Tài nhân.
- Tài nhân vị nhập giai.
- Cung nga Thế nữ.
Riêng hàng phi trong 9 bậc ấy, tháng 12 năm Tự-Đức thứ 14 (tháng 1, năm 1862), "Cần phi" đổi thành "Đôn phi", "Chiêu phi" đổi thành "Mẫn phi".
Để tổ chức mọi việc liên quan tới việc quản lý, dạy dỗ các phi tần và gìn giữ các đồ vật trong nội cung, triều đình đặt ra chức "Lục Thượng", gồm 6 chức vị: Thượng cung, Thượng nghi, Thượng phục, Thượng thực, Thượng tẩm, Thượng công do các nữ quan đảm nhận. Nữ quan thường là các bà trong nội cung, được vua tin tưởng hay do triều đình tuyển dụng, người đứng đầu tổ chức là Hoàng quý phi. Nữ quan chia làm 6 bậc: Quản sự, Thống sự, Thừa sự, Tòng sự, Trưởng ban.
Hậu cung nhà nguyễn có:
- Cung Khôn Thái: nơi ở Hoàng quý phi.
- Điện Minh Trinh: nơi ở các bà phi.
- Viện Thuận Huy: nơi ở các bà tần.
- Viện Đoan Huy, Đoan Thuận, Đoan hòa, Đoan Trang, Đoan Trường: chồ ở của các bậc Tiệp dư, Tài nhân, Mỹ nhân, Quý nhân, cùng Tài nhân vị nhập giai.
Gọi là Lục Viện.
Để tuyển phi tần, triều đình thường chọn con gái của các quan đại thần trong triều. Con người nào có phẩm trật cao thì được tuyển vào cấp bậc cao, phẩm trật thấp thì cấp thấp. Con thường dân được tuyển vào cung là những trường hợp đặt biệt, phải đẹp, và khi mới tuyển thì chưa được xếp vào "cửu giai", chỉ được gọi là "Tài nhân vị nhập lưu".
Theo lệ trong cung đình nhà Nguyễn, phi tần từ Tiệp dư trở lên được gọi bằng "bà", từ Quý nhân trở xuống thì gọi bằng "chị".

Chiếu theo gia phả của chi IV, phòng 19, chi I, nhà thờ tại Thừa-lưu, nước ngọt, mẹ ngài Nguyễn Phúc Truyền là bà Hoàng thị Duyên, Tiếp tần. (Tiếp tần không phải là phẩm trật trong các hàng hậu cung của các chúa Nguyễn). Vấn đề này cần tham khảo thêm.

Liên Kết: Bài 19 - Ngài Tôn-thất Truyền và bản Tôn-thất phả hệ 7, phòng 19, chi I, đệ nhất thế.