[Bài viết dựa trên nhiều tư liệu thu thập trên internet]
Ngài
là con trai thứ hai của Chiêu Huân Phụ Tiết Tĩnh Công Nguyễn Kim tức Nguyễn Cam
(1468 - 1545) dưới thời Nhà Lê và Bà Chính thất Nguyễn Thị Mai, con gái của Đặc
Tiến Phụ Quốc Thượng Tướng Quân Thư Vệ Sự Nguyễn Minh Biện dưới thời Nhà Lê,
quê ở Phạm Xá, tỉnh Hải Dương.
Ngài sinh ngày 10 tháng 8 năm Ất Dậu tức ngày 28 tháng 8 năm 1525 tại lộ Thanh
Hoa khi thân sinh ông giữ chức Tư Vệ Điện Tiến Tướng Quân trấn nhậm lộ này.
Năm Đinh Hợi 1527, khi vua Mạc Đăng Dung (1517 - 1529) lên ngôi, Tỉnh Công
Nguyễn Kim phò Nhà Lê đem quân tránh sang nước Ai Lao để mưu việc lớn, nên đã
giao Nguyễn Hoàng lúc đó mới hai tuổi cho người em vợ là Thái Phó Uy Quốc Công
Nguyễn Ư Kỷ nuôi dạy để mình lo việc nước.
Sách Đại Nam Thực Lục Tiền Biên đã viết: “Ngài có tướng vai lân,
lưng hổ, mắt phượng, trán rộng, thần thái khôi ngô, thông minh tài trí, người
thức giả biết là bậc phi thường” (Nguyễn Tộc Thế Phả, tr.105)
Khi thân sinh ngài mất ngày 20 tháng 5 năm Ất Tỵ tức ngày 28 tháng 6 năm 1545,
thọ được 77 tuổi là do hàng tướng Nhà Mạc Dương Chấp Nhất dâng quả dưa chứa
thuốc độc để ám hại, ngài mới 21 tuổi. Lúc này ngài làm quan dưới thời vua Lê
Trang Tông (1533 - 1548) và được phong tước là Hạ Khê Hầu.
Sách “Đại Nam Thực Lục Tiền Biên” đã viết: “Đầu làm quan Triều Lê,
được phong Hạ Khê Hầu. Đem quân đánh Mạc Phúc Hải (con trưởng Mạc Đăng Doanh),
chém được tướng là Trịnh Chí ở huyện Ngọc Sơn, khi khải hoàn vua khen “Thực là
cha hổ sinh con hổ”. Đến khoảng năm Thuận Bình đời Lê Trang Tông, do quân công
được tấn phong Đoan Quận Công" (tr.30)
Vào thời kỳ mà Hữu Tướng Trịnh Kiểm (1545 - 1569) chuyên quyền vua Lê đã ám hại người anh trai ruột của Đoan
Quận Công Nguyễn Hoàng là Lãng Quận Công Nguyễn Uông, và mưu hại
Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng, do vậy người cậu ruột đã bàn mưu với người cháu
rằng: “Kiểm đã cố tâm mưu hại mình thì mình cần phải tránh xa. Đất Thuận Hóa
hiểm trở, vững chắc có thể giữ yên thân mình, cháu nên nhờ chị Ngọc Bảo (là
Chính thất của Trịnh Kiểm) nói với Kiểm xin trấn giữ đất này để mưu đồ
việc lớn về sau” (Nguyễn Phước Tộc Thế Phả tr.100).
Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng đã nghe theo lời khuyên của Uy Quốc Công Nguyễn Ư
Kỷ, sai người lẻn vào nội cung cầu cứu người chị ruột của mình. Bà Nguyễn Thị Ngọc Bảo bèn lập mưu bảo em trai giả điên và lựa lúc
thuận lợi nói với chồng xin cho Đoan Quốc Công Nguyễn Hoàng đi vào trấn nhậm Xứ
Thuận Hóa. Trịnh Kiểm nhận thấy rằng Thuận Hóa là một vùng ác địa xa xôi, ở đấy
có nhiều cống sĩ, trí thức vượt biển vào theo Nhà Mạc đem quân quấy rối, nên
muốn mượn tay Nhà Mạc để loại trừ đối thủ của mình, bèn xin vua Lê Trang Tông
phái Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng làm Tổng Trấn Xứ Thuận Hóa.
Sách Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục Tập I, viết:
“Từ khi triệu Tổ Tĩnh Hoàng Đế ta (tức Tĩnh Công Nguyễn Kim) mất đi, bỏ dở công nghiệp lớn, quyền bính trọng yếu trong nước đều do
Trịnh Kiểm chuyên chế cầm nắm. Lãng Quận Công Uông làm Tả Tướng, Thái Tổ Gia Dụ
Hoàng Đế ta (tức Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng) cầm quân đi đánh
dẹp, lập được nhiều chiến công, được phong đến Đoan Quận Công. Cả hai đều bị
Trịnh Kiểm nghi kỵ. Rồi Tả Tướng bị Kiểm làm hại. Còn Thái Tổ Gia Dụ Hoàng Đế
ta thì tự lắng xuống kín đáo để giữ mình. Bấy giờ đang có cuộc dụng binh luôn
luôn với người Mạc, Thuận Hóa tuy là đất cũ Nhà Lê nhưng bè đảng Nhà Mạc phần
nhiều ra vào ẩn hiện ở đó, Nhà Lê chưa kinh lý được. Trịnh Kiểm cho rằng đó là
chỗ đất hiểm trở xa khơi, bèn muốn lợi dụng nên cũng thuận” (tr.137)
Sách Đại Nam Thực Lục Tiền Biên Tập I, viết:
“Đến khoảng năm
Thuận Bình đời Lê Trang Tông, (Nguyễn Hoàng) do quân công được tiến phong là
Đoan Quận Công. Bấy giờ Hữu Tướng Triều Lê là Trịnh KIểm (bấy giờ xưng là Lượng
Quận Công) cầm giữ binh quyền, chuyên chế mọi việc. Tả Tướng là Lãng Quận Công
(con trưởng Triệu Tổ) bị Kiểm hãm hại. Khi thấy Chúa Công (tức Nguyễn Hoàng)
danh ngày càng cao nên rất ghét. Chúa thấy thế, trong lòng áy náy không yên,
cùng bàn mưu với Nguyễn Ư Dĩ (tức Nguyễn Ư Kỷ) rồi cáo bệnh,
cốt giữ mình kín đáo để họ Trịnh hết ngờ... Chúa mới nhờ chị là Bảo Ngọc nói
với Kiểm để xin vào trấn đất Thuận Hóa. Kiểm thấy đất ấy hiểm nghèo xa xôi cho
ngay. Anh Tông lên ngôi, Kiểm dâng biểu nói “Thuận Hóa là nơi quan trọng, quân
và của do đấy mà ra, buổi quốc sơ nhờ đấy mà nên nghiệp lớn. Nay lòng dân hãy
còn tráo trở, nhiều kẻ vượt biển đi theo họ Mạc, sợ có kẻ dẫn giặc về cướp, ví
không được tướng tài trấn thủ, vỗ yên thì không thể xong. Đoan Quận Công là con
trai nhà tướng, có tài trí mưu lược, có thể sai đi trấn ở đấy, để cùng với
tướng trấn thủ Quảng Nam cùng nhau giúp sức thì mới đỡ lo đến miền nam”
(tr. 27 - 28 và 35 - 36)
Năm Mậu Ngọ 1558, Thái Bảo Quận Công Nguyễn Hoàng lúc này đã 34 tuổi, đã đi vào
Thuận Hóa cùng phu nhân họ Nguyễn và các con là Nguyễn Phúc Nguyên và Nguyễn
Phúc Hiệp cùng các tướng sĩ Thạch Xuyên, Văn Nham, Tường Trung, Tường Lộc, hai
gia tướng của Tĩnh Công Nguyễn Kim là Vũ Thì An, Vũ Thì Trung và hàng ngàn đồng
hương thân tín huyện Tống Sơn và binh lính. Thái Phó Uy Quốc Công Nguyễn Ư Kỷ
cũng đã đưa cả gia đình vào Thuận Hóa trong dịp này để phụ tá cho người cháu
ruột vào nam lập nghiệp.
Đoàn quân của chúa đi vào cửa Việt Yên (nay là Cửa Việt), đóng trại
tại Gò Phù Sa, xã Ái Tử, huyện Vũ Xương (nay là huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng
Trị). Lưu Thủ Thuận Hóa Tống Phước Trị người quê ở Tống Sơn, Thanh Hóa đến vái chào Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng, dâng nộp bản đổ, sổ sách trong xứ. Nhân dân trong vùng hoan hỉ, đến dâng bảy
vò nước trong. Uy Quốc Công Nguyễn Ư Kỷ nói với Tổng
Trấn Thuận Hóa rằng: “Trời ban cho, tất cả điềm báo trước. Nay Tổng Trấn mới
đến đây mà dân đã đem hiến nước, đó là điềm được nước!”. Nghe nói vậy năm
Mậu Ngọ 1538, Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng liền bằng lòng với người cậu ruột cho
lập Thủ Phủ đầu tiên tại xã Ái Tử, huyện Vũ Xương, gọi là Dinh Ái Tử
(nay thuộc huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị).
Mười hai năm sau, vào năm Canh Ngọ 1570, Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng cho dời
Thủ Phủ về làng Trà Bát cũng thuộc huyện Vũ Xương, gọi là Dinh Cát. Cũng trong
năm này, vua Lê Anh Tông (1557 - 1573) đã chỉ dụ điều động Quận Công Nguyễn Bá
Quýnh đang trấn nhậm Xứ Quảng Nam về Xứ Nghệ An để cai quản xứ này, đồng thời
phong cho Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng làm Tổng Trấn Tướng Quân kiêm quản cả Xứ
Quảng Nam. Như vậy đến lúc này, Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng quản lãnh cả Thuận
Hóa và Quảng Nam, một vùng lãnh thổ rộng lớn kéo dài từ đất Quảng Bình cho đến
đất Bình Định, vùng đất phên dậu cực nam của Đại Việt giáp giới với nước Chiêm
Thành.
Năm Tân Mùi 1571, sách “Đại Nam Thực Lục Tiền Biên” đã
viết:
“Năm 1571, thổ hào Quảng Nam nổi lên đánh giết cướp bóc lẫn nhau. Chúa
sai tướng là Mai Đình Dõng dẹp yên, nhân đấy được ở lại làm Lưu Thủ giữ đất ấy
để thu phục, vỗ yên dân”.
Mai Đình Dõng đã làm Lưu Thủ Quảng Nam từ năm đó
cho đến khi qua đời và về sau chức vụ này được Tổng Trấn
Tướng Quân Nguyễn Hoàng giao cho Dương Đàm Hầu Trần Ngọc Phân.
Năm Nhâm Thân 1572, tướng Nhà mạc là Quận Công Lập Bạo với khí thế rất mạnh,
đem hơn 60 binh thuyền đi đường biển đánh vào Thuận Hóa đổ bộ lên đất Triệu
Phong để tấn công Phủ Chúa. Tổng Trấn Tướng Quân Nguyễn Hoàng thân chinh đi
đánh, đóng quân bên bờ sông Ái Tử. Tướng Quân sai nàng hầu là Ngô Thị Lâm xinh đẹp
tìm cách tư thông với Lập Bạo rồi dụ hắn đến thảo miếu làm lễ thề nguyền. Tướng
Quân sai quân mai phục, đã bắt sống và giết chết được Lập Bạo. Quân giặc tan
vỡ, một phần thì bị bắt sống, một phần thì chạy trở về miền Bắc, giữa đường bị
gặp bão chết hết ngoài khơi. (Chuyện kể: Tướng Quân nghe thấy tiếng “trảo
trảo” từ dòng sông vọng lại nhưng nhìn ra sông chỉ thấy những làn sóng ào
ạt mà thôi. Bèn khấn rằng: “Thần Sông có thiêng thì phù hộ cho
ta đánh tan quân giặc”. Rồi nằm mộng thấy một người Đàn
bà mặc Áo xanh cầm chiếc quạt the thưa rằng phải lập cách dụ địch bằng mỹ nhân
kế và hứa sẽ phù hộ. Sau khi đánh tan quân Nhà Mạc, Tướng Quân Nguyễn
Hoàng đã phong cho Thần Sông Áo Xanh là Trảo Trảo Linh Thu Phổ Tế
Tương Hựu Phu Nhân và lập Đền thờ trên bãi cát xứ Trảo Trảo, di tích này về
sau qua thời gian đã bị hủy hoại.)
Từ đó, nhà Mạc không đem quân đến quấy nhiễu Thuận Quảng nữa.
Tướng Quân đã cho đưa gần 3.000 tù binh lên khai phá vùng đất đỏ Cồn Tiên ở
Thuận Hóa, thành lập 36 phường mới ở tổng Ân Bái. Tướng quân cũng khuyến khích
nhân dân ở Thuận Quảng khai hoang lập ấp, phát triển nông nghiệp, còn Thủ Phủ
thì thành lập các dinh điền,
nhờ thế diện tích ruộng đất và dân số của Thuận Quảng tăng nhanh, kinh tế Thuận Quảng phát triển.
Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng cũng quan tâm đến sự phát triển ngoại thương, bắt
đầu chính sách rộng mở đối với các nước ngoài đến buôn bán tại Hội An. Nhờ vậy,
cảng thị Hội An dần dần trở thành thương cảng vào cuối thế kỷ
XVI. Các tàu thuyền của các nước Đông Nam Á như Trung Hoa, Nhật Bản, Xiêm
La... và các tàu nước phương Tây như Bồ Đào Nha, Hà Lan.v.v... lần lượt đến
buôn bán với cảng thị Hội An, làm cho kinh tế của Thuận Quảng ngày càng phát
triển hơn, chính quyền Xứ Đảng Trong càng thêm vững mạnh.
Năm Quý Dậu 1573, vua Lê Thế Tông (1573 - 1600) lên ngôi, đã sai sứ vào Thuận
Hóa đem sắc chỉ tấn phong Đoan Quận Công chức Thái Phó Quận Công.
Trong mấy chục năm trấn nhậm Thuận Quảng, Thái Phó Quận Công Nguyễn Hoàng đã có
chính sách rộng rãi, vỗ về quân dân, nhẹ sưu thuế, thu dùng hào kiệt, quân lệnh
nghiêm trang, kinh tế phát triển, đời sống nhân dân được an cư lạc nghiệp.
Thuận Quảng trở thành nơi đô hội lớn, được nhân dân mến phục và thường xưng
tụng là Chúa Tiên.
Sách “Đại Việt Sử Ký Toàn Thư” đã viết: “Nguyễn Hoàng
vỗ trị mấy chục năm, chính lệnh khoan hòa, thường ban ân huệ, dùng phép công
bằng, chấn chỉnh khuyên răn tướng sĩ bản bộ, cấm chấp kẻ hung ác, dân hai trấn
đều cảm lòng mến đức, thay đổi phong tục, chợ không nói thách, dân không làm
giặc, cổng ngoài không phải đóng. Thuyền buôn nước ngoài thường tới, trao đổi
phải giá, quân lệnh nghiêm cẩn, người người gắng sức. Do vậy mà họ Mạc không
dám dòm ngó. Trong cõi an cư lạc nghiệp” (tr.161)
Dĩnh Thành Hầu Lê Quý Đôn, một đại thần của thời vua Lê chúa Trịnh, trong sách
“Phủ Biên Tạp Lục” khắc in năm 1776, cũng đã đánh giá: “Đoan Quận
Công có uy lực, xét kỹ, nghiêm minh, không có ai dám lừa dối. Cai trị trên mười
năm, chính sự khoan hòa, việc gì cũng làm ơn cho dân, dùng phép công bằng, răn
giữ cán bộ, cấm đoán kẻ hung dữ. Quân dân hai xứ thân yêu mến phục, cảm nhận
mến đức, dời đổi phong tục, chợ không bán hai giá, người không ai trộm cướp,
cửa ngoài không phải đóng, thuyền buôn ngoại quốc đều đến mua bán đổi chác phải
giá, quân lệnh nghiêm trang, ai cũng cố gắng, trong cõi đều an cư lạc nghiệp”
(tr.50)
Như vậy, với trọng trách là người chăn dắt quân dân hai xứ Thuận Quảng được vua
Lê giao phó, Thái Phó Quận Công Nguyễn Hoàng đã có những đóng góp hết sức to
lớn cho sự phát triển thịnh vượng của vùng đất cực nam của đất nước vào cuối
thế kỷ XVI và đã được nhân dân kính ngưỡng và tôn vinh công ơn to lớn của Chúa
Tiên.
Năm Quý Tỵ 1593, Nhà Lê thắng Nhà Mạc và vua Lê Thế Tông (1573 - 1600) trở về
Đông Đô, Tổng Trấn Tướng Quân Nguyễn Hoàng đã ra kinh đô “thân đem tướng sĩ,
voi ngựa, thuyền ghe đến Kinh lạy chào và đem sổ sách về binh lương, tiền lụa,
vàng bạc, châu báu, kho tàng của hai trấn Thuận Hóa - Quảng Nam dâng nộp” (Đại
Nam Sử Ký Toàn Thư, tr.200).
Điều này chứng tỏ rằng đến lúc này ngài vẫn một
lòng tôn phò nhà Lê và không mảy may có sự toan tính, “tranh bá đồ vương” với
họ Trịnh.
Ngài càng được vua Lê tín cẩn giữ lại ở Đàng Ngoài và phong tước Trung Quân Đô
Đốc Phủ Tả Đô Đốc Chưởng Phủ Sự Thái Uy Đoan Quận Công và được vua Lê phái đem
quân đi dẹp quân Nhà Mạc và đánh đâu thắng đó.
Đến năm Ất Mùi 1595, ông được vua Lê tín nhiệm cử làm Đề Điệu tham gia vào việc
tổ chức cuộc thi Đình để tuyển chọn Tiến sĩ cho Triều đình.
Đặc biệt đến năm Kỷ Hợi 1599, Trịnh Tùng (1570 - 1623) tự xưng vương là Đô
Nguyên Súy Tổng Quốc Chính Trượng Phu Bình An Vương và lập Phủ Chúa
và một số cơ quan hành chính bên cạnh Phủ Chúa để làm đối trọng với Triều đình
Nhà Lê, làm bộc lộ việc tiếm quyền của họ Trịnh đối với vua Lê một cách rõ ràng
mà nhân dân tục gọi là Chúa Trịnh. Chúa Trịnh Tùng lúc bấy giờ hống hách tuy
không cướp ngôi vua Lê, nhưng trong thực tế đã biến vua Lê thành bù nhìn và nắm
quyền chuyên chế lấn át quyền của Triều đình và chống lại các phe cánh phò Lê
chống Trịnh.
Năm Canh Tý 1600, vua Lê Thế Tông băng hà và vua Lê Kính Tông (1600 - 1619) lên
ngôi, tấn phong cho Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng làm Hữu Tướng. Ông ở Đông Đô
lập được nhiều công tích nên càng làm cho Trịnh Tùng thêm ganh ghét.
Đến lúc này, Hữu Tướng Nguyễn Hoàng nhận thấy rõ âm mưu thâm độc của họ Trịnh và
mình khó tiếp tục trở thành một bậc trung thần của vua Lê nên thấy không còn lý
do gì nữa để lưu lại ở Thăng Long. Nhưng để rời khỏi Kinh đô đối với ông không
phải là một điều đơn giản bởi vì Trịnh Tùng luôn luôn tìm mọi cách ngăn cản ông
quay về Thuận Quảng vì sợ “thả hồ về rừng”.
Trong một chuyến về thăm quý hương ở Thanh Hóa, Hữu tướng Nguyễn Hoàng đã gặp
Thái Phó Nguyễn Hữu Liêu và được biết Cử nhân Đào Duy Từ (là một nhân tài nhưng
đã bị vua Lê bắt giam một thời gian, lột hết văn bằng, mũ áo vì bị phạm tội đổi
họ Đào sang họ Vũ của mẹ để được thi cử vì cha của ông trước đó làm cẩm vệ
Triều đình nhưng đã làm thơ xúc phạm tên húy của Chúa Trịnh Kiểm, phạm tội bị
thải hồi và sau đó làm nghề xướng ca mà con cái không được quyền thi cử.)
Hữu tướng Nguyễn Hoàng đem lòng ái mộ, đã ngầm giúp Đào Duy Từ tiền bạc
để sinh sống và chữa bệnh, sau đó đã đến gặp để chiêu hiền đãi sĩ nhằm vận động
người tài ở Đàng Ngoài vào Đàng Trong, góp phần xây dựng cơ nghiệp của Chúa
Nguyễn.
Tuy nhiên, phải đến hơn mười năm sau, Đào Duy Từ mới đi được vào Đàng Trong sau
khi Chúa Tiên đã băng hà. Về sau, Lộc Khê Đào Duy Từ đã hết lòng phục vụ Chúa
Sãi Nguyễn Phúc Nguyên.
Trong khi Hữu Tướng Nguyễn Hoàng còn đang ở Kinh đô và Nhà Mạc đang trên đà suy
vong thì vào năm Mậu Thìn 1568, người con út của Thái Tông Mạc Đăng Doanh (1530
- 1540) và Thứ Phi Đậu Thị Giang là Mạc Cảnh Huống, em trai của Hiển Tông Mạc
Phúc Hải, Minh Vương Mạc Phúc Tư, Khiêm Vương Mạc Kính Điển và Ứng Vương Mạc
Đôn Nhượng, đã cùng phu nhân Nguyễn Thị Ngọc Dương là em gái của phu nhân Hữu
Tướng Nguyễn Hoàng đã đi vào Thuận Hóa với ý đồ giúp người anh đồng hao của
mình chống lại Chúa Trịnh.
Sau khi Khiêm Vương Mạc Kính Điển (? - 1580) qua đời thì người con gái của ông
là Quận Chúa Mạc Thị Giai cũng đã đưa em gái là Quận Chúa Mạc Thị Lâu vào năm
1593 đi vào Thuận Hóa với người chú ruột Mạc Cảnh Huống. Về sau, Quận chúa Mạc
Thị đã trở thành hậu của Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên.
Sau thời gian sống ở Đông Đô tám năm, vào giữa năm Canh Tý 1600 Hữu Tướng
Nguyễn Hoàng mới lập được mưu kế xúi Phạm Ngạn, Ngô Đình Hàm và Bùi Văn Khuê
làm phản, khởi binh chống lại họ Trịnh tại cửa biển Đại An (nay thuộc tỉnh Nam
Định), Hữu Tướng giả vờ báo tin cho Trịnh Tùng đem quân đi đánh dẹp rồi đem
chiến thuyền, bản bộ và tướng sĩ theo đường biển thẳng một mạch trở về Thuận
Hóa một cách an toàn.
Để cho Trịnh Tùng khỏi nghi ngờ, ông đã để một người con trai là Nguyễn Hải và
một người cháu là Nguyễn Hắc ở lại làm con tin và về sau lại gả con gái thứ hai
là Nguyễn Ngọc Tú cho con trai cả của Trịnh Tùng là Trịnh Tráng (1623 - 1657)
về sau cũng trở thành Chúa Trịnh.
Từ đây, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng quyết tâm “rạch đôi sơn hà”, chống lại họ
Trịnh, mặc dù sau khi ông quay về Thuận Quảng, Chúa Trịnh Tùng đã sai sứ vào
phủ dụ, nhưng ông đã bỏ điều đó ngoài tai. Chúa Tiên Nguyễn Hoàng càng ra sức
quản lãnh và xây dựng vùng Thuận Quảng trở thành một Xứ Đàng Trong giàu
mạnh để đương đầu với Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài. Trong quá trình quản lãnh Xứ
Đàng Trong, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng luôn luôn được Uy Quốc Công Nguyễn Ư Kỷ,
Thống Thái Phó Mạc Cảnh Huống và Luân Quốc Công Tống Phước Trị đồng tâm hiệp
lực phò tá hết lòng “góp mưu nơi màn trướng, khởi xướng mưu lớn, nhiều
phương trù hoạch để dựng nghiệp vương”.
Năm Tân Sửu 1601, sách Đại Nam Thống Nhất Chí Tập II đã viết:
“Chúa
thượng đến xã Hà Khê thấy giữa đồng bằng nổi lên một gò đất cao như hình đầu
Rồng ngoảnh trông trở lại, phía trước ngó thẳng ra trường giang, phía sau có
hồ, cảnh trí rất đẹp, nhân hỏi thăm dân địa phương, họ nói gò này linh dị.
Tương truyền rằng ngày xưa ban đêm có người thấy một bà già mặc áo đỏ quần lục,
ngồi trên gò nói rằng: “Sau sẽ có vị chân chúa đến sửa dựng lại núi này, tụ
linh khí để giữ vững long mạch cho được bền vững”. Nói xong bà biến mất. Nhân
đó mà núi này được gọi là Thiên Mụ Sơn. Chúa thượng cho rằng đất này có linh
khí, bèn dựng chùa gọi là Thiên Mụ Tự”.
Như vậy, sự ra đời của Chùa Thiên Mụ đã gắn liền với Chúa Tiên Nguyễn Hoàng vị
chân chúa đầu tiên của họ Nguyễn ở Đàng Trong, minh chứng cho hoạt động của
thiền phái Trúc Lâm đặc thù của Phật giáo Đại Việt tại Thuận Hóa từ cuối thế kỷ
XVI đầu thế kỷ XVII.
Vào thời kỳ này, Xứ Quảng là một vùng đất trù phú của Đàng Trong. Trong sách “Phủ
Biên Tạp Lục” Dĩnh Thành Hầu Lê Quý Đôn đã viết “Thuận Hóa không có
nhiều của cải, đều lấy ở Quảng Nam và xứ ấy phì nhiêu nhất thiên hạ”. Vì
vậy sau khi quay trở lại Thuận Quảng hai năm, vào năm Nhâm Dần 1602, Chúa Tiên
Nguyễn Hoàng đã thực hiện một chuyến tuần du phương nam, vượt Núi Hải Vân cho
đến phủ Điện Bàn và phủ Thăng Hoa của Xứ Quảng. Đây không đơn thuần là một
chuyến du ngoạn cảnh quan hùng vĩ của Hải Vân Sơn mà là một chuyến vi hành có
chủ đích nhằm kinh dinh và phát huy tiềm năng kinh tế của vùng đất giàu có và đông
dân cư này để mưu toan công việc lâu dài.
Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã cho dựng Hành điện tại xã Cần Húc bên bờ bắc
Sông Chợ Củi (tức Sông Thu Bồn) trên phủ Điện Bàn, xây kho tàng lưu trữ thóc,
tiền và cử con trai mình là Nguyễn Phúc Nguyên làm trấn thủ và các quan cai trị
là Cai bộ và Ký lục.
Bảng Trung Hầu Nguyễn Khoa Chiêm trong sách “Nam Triều Công
Nghiệp Diễn Chí”, viết:
“Chúa Nam Nguyễn Hoàng lại đi thăm Xứ Quảng
Nam, thấy Núi Ải Vân hiểm trở sừng sững vươn cao, dáng tựa Núi Ma Thiên Lĩnh ở
đất Ba Thục, Đoan Vương Nguyễn Hoàng khen mãi cho là nơi cảnh đẹp núi kỳ. Rồi
Nguyễn Hoàng vượt đèo đi vào địa phận phủ Thăng Hoa, Quảng Nam xem xét tình
hình núi non các nơi trong xứ. Thấy xứ này đầy nguồn hiểm yếu, cửa biển vững
chắc, bèn sai dựng hành điện, kho tàng để chứa trữ thóc tiền, mưu toan công
việc lâu dài. Lại để công tử trấn thủ để bảo vệ cho dân lành” (tr.85)
Sách “Đại Nam Thực Lục Tiền Biên”, viết:
“Chúa đi chơi Núi Hải
Vân thấy một dải núi cao dăng dài mấy trăm dặm nằm ngang đến bờ biển, Chúa khen
rằng” chỗ này là yết hầu của miền Thuận Quảng”. Liền vượt qua núi, xem
xét tình thế, dựng trấn dinh ở xã Cần Húc (thuộc huyện Duy Xuyên) xây kho tàng, chứa lương thực, sai hoàng tử thứ
sáu trấn giữ”
(tr.42)
Đến năm Giáp Thìn 1604, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng cho tách phủ Điện Bàn khỏi đất
Triệu Phong của Xứ Thuận Hóa và sáp nhập với ba phủ Thăng Hoa, Tư Nghĩa và Hoài
Nhơn để thành lập Dinh Quảng Nam và xây dựng Dinh trấn tại Thanh
Chiêm trên đất phủ Điện Bàn, bên bờ bắc Sông Chợ Củi (Sông Thu Bồn), tục gọi là
Dinh Chiêm (nay là làng Thanh Chiêm, xã Điện Phương, huyện Điện Bàn,
tỉnh Quảng Nam) và cử công tử Nguyễn Phúc Nguyên làm quan trấn thủ đầu tiên.
Sách Đại Nam Nhất Thống Chí đã viết:
“Đầu bản triều dựng Dinh trấn ở
xã Thanh Chiêm, thuộc huyện Diên Phước” (tr.33). Sách Hoàng Việt Nhất
Thống Dư Địa Chí cũng đã viết: “Lỵ sở đóng trên xã Thanh Chiêm, huyện
Diên Khánh thuộc phủ Điện Bàn” (tr.218)
Dinh trấn Thanh Chiêm có vai trò hết sức quan trọng dưới thời Chúa Tiên Nguyễn
Hoàng cũng như thời kỳ các Chúa Nguyễn kế nghiệp là cơ sở đào luyện các quốc vương
của Đàng Trong (làm quan trấn thủ trước khi lên ngôi Chúa Nguyễn), là trung tâm
điều hành việc phát triển và hậu cần kinh tế cho Đàng Trong, nhất là việc chỉ
đạo hoạt động của thương cảng quốc tế Hội An, là bộ tham mưu đảm bảo an ninh
cho Dinh Quảng Nam, góp phần quan trọng bảo vệ độc lập tự do và chủ quyền của
Đàng Trong chống lại sự tấn công của Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài và mở rộng bờ cõi
về phương nam.
Cũng trong thời gian này, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã cho xây dựng Chùa Kinh
Thiên trên huyện Lệ Thủy ở Dinh Quảng Bình, Chùa Long Hưng bên cạnh
Dinh trấn Thanh Chiêm trên huyện Diên Phước, Dinh Quảng Nam (về sau qua thời
gian chùa bị hư hỏng) và Chùa Bảo Châu trên huyện Duy Xuyên, Dinh Quảng
Nam (nơi về sau Thống Thái Phó Mạc Cảnh Huống tu hành sau khi nghỉ hưu) về sau
bị quân Tây Sơn phá hủy khi chiếm được Dinh Quảng Nam vào năm 1774.
Do uy danh của Chiêu Huân Phu Tiết Tĩnh Công Nguyễn Kim trước đây, những chiến
công chống Nhà Mạc của Đoan Quận Công về sau này, cũng như lòng dân phò Nhà Lê
chống Chúa Trịnh, nên sau khi Đoan Quận Công xây dựng thế lực mới ở Thuận Quảng
đã nhanh chóng thu hút dòng người di cư từ phía Bắc đi vào phía Nam tạo ra một
cuộc di dân thật sự.
Thêm vào đó, năm Mậu Thìn 1608, Thuận Quảng được mùa lớn, giá gạo rẻ còn ở phía
Bắc, từ xứ Nghệ An trở ra gạo đắt, nên dân chạy nhiều vào với Chúa Nguyễn làm
cho dân số Thuận Quảng ngày thêm đông đúc.
Sách Trịnh - Nguyễn Diễn Chí Tập I đã viết:
“Năm Mậu Thân, niên hiệu
Hoằng Định thứ 9 (1608) các nơi ở Đàng Ngoài thời tiết khô hạn, lúa má cháy khô,
giá thưng gạo một đồng tiền, có nhiều người chết đói, thậm chí có nơi đã ăn
thịt lẫn nhau, đói khổ như thế đến hơn một năm. Duy chỉ có hai Xứ Thuận Hóa
Quảng Nam mưa thuận gió hòa, một đấu gạo chỉ có ba tiền, ngoài đường không ai
nhặt của rơi, bốn dân sĩ nông công thương đều an cư lạc nghiệp” (tr.80)
Dưới thời Chúa Tiên Nguyễn Hoàng nhờ chủ trương khẩn hoang lập ấp đã làm biến
đổi về căn bản bộ mặt kinh tế của Xứ Thuận Quảng. Trong những làng ấp mới đó,
người nông dân tập hợp lại theo tổ chức công xã nông thôn, làm nghĩa vụ nộp
thuế, sưu dịch và quân dịch góp phần xây dựng chính quyền của Chúa Nguyễn. Từ
một vùng hoang vắng, lạc hậu nhờ chính sách khoan hòa, nghiêm minh, công bằng,
quan tâm đến đời sống của dân, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã làm cho Xứ Đàng Trong
trở thành một khu vực phát triển.
Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã vượt qua tư tưởng “trọng nông ức thương” thời
đó nên ngày càng quan tâm hơn đến hoạt động của ngoại thương tại cảng thị Hội
An sau một thời gian suy thoái kéo dài nhờ đường lối mở cửa buôn bán với nước
ngoài vào đầu thế kỷ XVII, nên đã cho thành lập Phố Nhật vào năm 1589 và
Phố Khách vào khoảng năm 1608 làm cho cảng thị Hội An trở thành thương cảng
quốc tế lớn nhất Đông Nam Á thời đó.
Sách Hội An, Di sản Thế giới đã viết: “Sau một thời
gian suy thoái kéo dài đến 150 năm - từ 1306 đến 1558 - trải qua các giai đoạn
dưới thời Nhà Trần, Nhà Hồ và Nhà Lê, cảng thị Hội An mới hồi sinh trở lại dưới
thời Chúa Tiên Nguyễn Hoàng (1558 - 1613) nhờ đường lối mở cửa buôn bán với
nước ngoài, khôi phục hoạt động ngoại thương của Hội An nhằm mục đích tăng
cường tiềm lực kinh tế - xã hội và quân sự của Đàng Trong để đương đầu với Chúa
Trịnh ở Đàng Ngoài” (tr.57)
Sách Đại Nam Thực Lục Tiền Biên đã viết: “Bấy giờ Chúa trấn hơn mười
năm chính sự rộng rãi... Thuyền buôn nước ngoài đến nhiều. Trấn trở nên một đô
hội lớn”.
Không rõ vào năm nào, hai gia tướng người Việt gốc Chăm của Tĩnh Công Nguyễn
Kim là Vũ Thì An và Vũ Thì Trung đã giúp Chúa Tiên Nguyễn Hoàng chiếm hữu Bãi
Cát Vàng tức Quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa khi còn là một vùng đất vô chủ
mà không một nước nào phản đối hay bảo lưu. Như vậy, các Quần đảo Hoàng Sa và
Trường sa đã thuộc lãnh thổ và chủ quyền của Đại Việt - Việt Nam từ cách đây
400 năm dưới thời Chúa Nguyễn Hoàng vào thế kỷ XVI.
Về vấn đề này trong tư liệu “Quần đảo Hoàng Sa và đội ghe của các Chúa
Nguyễn” đã cho biết: “Theo một số nhà nghiên cứu, năm 1558 Chúa Tiên
Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa, Vũ Thì An, Vũ Thì Trung và con cháu gốc
người Chămpa đã giúp ông chiếm lĩnh Hoàng Sa” (tr.19). Như vậy, công
lao cực kỳ to lớn về việc chiếm hữu đầu tiên Bãi Cát Vàng thuộc về Chúa Tiên
Nguyễn Hoàng.
Năm Tân Hợi 1611, nước Chiêm Thành đem quân xâm lấn bờ cõi phía nam Đàng Trong,
Chúa Tiên Nguyễn Hoàng sai Chủ Sự Văn Phong đem quân đi dẹp, đánh lấy được một vùng đất của
Chiêm Thành và thành lập phủ Phú Yên, chia làm hai huyện là Đồng Xuân và Tuy
Hòa và cử Chủ Sự Văn Phong làm Lưu Thủ phủ Phú Yên.
Đây là thời kỳ mở đầu chiến lược mở rộng lãnh thổ của Đại Việt về phương Nam
của Chúa Nguyễn ở Xứ Đàng Trong.
Về cuối đời, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng càng thể hiện sự quyết tâm tách khỏi sự lệ
thuộc vào chính quyền vua Lê - chúa Trịnh, xây dựng Đàng Trong thành một vùng
lãnh thổ độc lập tự chủ, càng quyết tâm xây dựng tiềm lực kinh tế xã hội và
quân sự vững mạnh trên cơ sở đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và nhất là phát
triển ngoại thương, tạo tiềm lực để tiếp tục mơ cõi về phương Nam và để đủ sức
đương đầu với họ Trịnh ở Đàng Ngoài.
Về vấn đề này, Li Tana, trong sách “Xứ Đàng Trong - Lịch sử kinh tế - xã hội
thế kỷ XVII - XVIII” cũng đã viết: “Ngoại thương đã trở thành yếu tố
quyết định trong tốc độ phát triển của Đàng Trong. Ngoài thương nghiệp không có
gì khác có thể giúp họ Nguyễn xây dựng một cách nhanh chóng vùng đất ít nhân
lực này có thể đương đầu nổi với một vùng đất có số tiềm lực nhiều gấp đôi, gấp
ba Đàng Trong về mọi mặt” (tr.85).
Năm Quý Sửu, ngày mồng 3 tháng 6 (20.7.1613) Chúa Tiên Nguyễn Hoàng cảm thấy
người mệt nặng khó qua khỏi, liền gọi con trai và cận thần đến để chỉ dụ.
Sách Đại Nam Thực Lục Tiền Biên đã viết: “Chúa yếu mệt, triệu
hoàng tử thứ sáu (tức Nguyễn Phúc Nguyên) và thân thần
đến trước giường, bảo thân thần rằng: “Ta với các ông cùng nhau cam khổ
đã lâu, muốn dựng lên nghiệp lớn. Nay ta để gánh nặng lại cho con ta, các ông
nên cùng lòng giúp đỡ cho thành công nghiệp”. Rồi Chúa cầm tay hoàng tử
thứ sáu dặn bảo rằng: “Làm con phải hiếu, làm tôi phải trung; anh em trước hết
phải thân yêu nhau. Mày mà giữ được lời dặn đó thì ta không ân hận gì”. Lại
nói: “Đất Thuận Quảng phía bắc có Hoành Sơn (Núi Đèo Ngang) và Linh
Giang (Sông Gianh) hiểm trở, phía nam có Hải Vân Sơn (Núi Hải Vân)
và Thạch Bi Sơn (Núi Thạch Bi) vững bền. Núi sẵn vàng sắt, biển có cá
muối, thật là đất dụng võ của người anh hùng. Nếu biết dạy dân, luyện binh để
chống chọi với họ Trịnh thì đủ xây dựng cơ nghiệp muôn đời. Ví bằng thế lực
không địch được thì cố giữ vững đất đai để chờ cơ hội, chứ đừng bỏ qua lời dặn
của ta”. (tr.37)
Qua lời trăn trối tâm huyết cuối cùng của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng (1525 - 1613)
trước khi qua đời đã cho thấy Chúa Tiên rất quyết tâm xây dựng Xứ Đàng Trong
(còn gọi là Nam Hà) vững mạnh thành một vùng lãnh thổ độc lập, tự chủ để chống
lại Chúa Trịnh ở Xứ Đàng Ngoài (còn gọi là Bắc Hà) và Chúa Tiên Nguyễn Hoàng là
vị thủy tổ đã sáng lập Xứ Đàng Trong Đại Việt với biên giới mở rộng về phương
Nam, vị thủy tổ đã sáng lập Triều Nguyễn với nước Việt Nam thống nhất sau này.
Trong sách “Việt Nam Khai Quốc Chí Truyện”, Bảng Trung Hầu Nguyễn Khoa
Chiêm đã ca ngợi Chúa Tiên Nguyễn Hoàng một cách đúng đắn rằng: “Nam Chúa
Đoan Vương Nguyễn Hoàng tướng mạo đĩnh đạc khác kẻ bình thường, bản tính thông
minh xuất chúng, có khí phách như Tống Tổ, Đường Tông, từ khi cai quản hai Xứ
Thuận Hóa, Quảng Nam nhân chính ban khắp gần xa, ơn đức bao trùm mọi chốn,
người người yêu mến ngưỡng mộ như cha mẹ, trên thuận đạo trời dưới hợp tình
dân, đúng là một bậc minh chúa tài ba sáng suốt” (tr.92)
Chúa Tiên Nguyễn Hoàng băng hà ngày mồng 3 tháng 6 năm Quý Sửu tức ngày 20
tháng 7 năm 1613, ở ngôi Chúa 56 năm (1558 - 1613), hưởng thọ được 89 tuổi
(1525 - 1613). Vua Lê Kính Tông (1600 - 1619) đã truy tôn Chúa Tiên Nguyễn Hoàng
tước hiệu là Cần Nghĩa Công và thụy hiệu là Cung Ý.
Ban đầu mộ của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng táng ở Núi Thạch Hãn (nay thuộc huyện Hải
Lăng tỉnh Quảng Trị), về sau được cải táng về Núi La Khê tức Khải Vận Sơn (nay
thuộc huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế). Ban đầu Chúa Tiên Nguyễn Hoàng
được thờ tại Chùa Long Phước (nay thuộc huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị), về sau
được Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên phối thờ cùng Tĩnh Công Nguyễn Kim tại Chùa Thiên
Mụ ở Phú Xuân (nay là Thành phố Huế)
Năm Giáp Tý 1804, vua Gia Long (1780 - 1820) cho dựng Thái Miếu rộng mười ba
gian để thờ các Chúa Nguyễn và các công thần đời trước, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng
cùng Hoàng hậu được thờ ở áng chính giữa. Vua Gia Long đã truy tôn Chúa Tiên
Nguyễn Hoàng tước hiệu “Triệu Cơ Thùy Thống Khâm Minh Cung Ý Cần Nghĩa Đạt
Lý Hiển Ứng Chiêu Hựu Diệu Linh Gia Dũ Hoàng Đế” và miếu hiệu là Thái Tổ.