Thứ Năm, 10 tháng 10, 2013

Bài 32 - Quê-Hương - Nguồn-cội

Chim có tổ, người có tông, đó là ý niệm và ước nguyện của chúng ta khi nghĩ về gốc gác mình. Chúng ta bồi hồi, mỗi khi nghĩ về quê hương, nơi sinh ra của mình, của cha mẹ, của ông bà tổ tiên. Những lúc như vậy, chúng ta vẫn hằng ước nguyện làm sao không phải xấu hổ với quê hương, tông tộc. Những lúc như vậy, chúng ta dậy lên trong lòng nỗi phấn kích, nỗi lạc quan hướng vọng đến tương lai. Chúng ta suy nghĩ, và chúng ta làm những việc đúng đắn để tự chúng ta, để con cháu chúng ta, và để vong linh ông bà chúng ta không tủi hổ.
Để rạng danh dòng họ, để kết đoàn thân ái, không gì hơn là hiểu rõ nguồn cội của mình. Hiểu cội nguồn, gốc gác họ tộc để thêm phần quý trọng thân tộc, và gìn giữ, bảo tồn, cũng như kiến tạo mỗi lúc mỗi tốt đẹp hơn.
Tìm hiểu qua sách vở, thông tin, bởi nhiều nguồn tin, ghi chép lại, sửa chửa và bổ xung, để lưu trữ, hằng mong con cháu sau này có dịp đọc lại, rồi cũng như ta, quý trọng gia phong, yêu mến thân tộc, đời đời làm nên điều hiển danh cho tộc họ.
Biết và học sử, địa dư, theo cụ Huỳnh Thúc Kháng: "Học Sử nghĩa là sống với người chết, học Địa là sống với non sông" chẵng là đúng lắm sao !
Trong gia phả, cũng như trên mộ chí, thường ghi nguyên quán của họ Tôn-thất Nguyễn-Phúc là Gia Miêu ngoại trang. Vậy, chúng ta thử tìm hiểu về xuất xứ của địa danh này.

GIA MIÊU NGOẠI TRANG ( 嘉苗外莊 )



Là tên của thôn-ấp, được triều vua Lê cấp lộc riêng cho giòng họ Nguyễn từ xưa (theo Lê Quý Đôn thì vua cấp riêng 470 mẫu  ruộng đất - theo Nguyễn Phúc Thế Phả là 500 mẫu), thuộc huyện Tống Sơn (nguyên là Tống Giang đời nhà Trần, đến đầu đời nhà Lê thì đổi thành). Đất Gia Miêu chia thành 2 trang ( : trang trại) là Gia Miêu nội trang và Gia Miêu ngoại trang, lấy làn ranh của chân dãy núi Thiên chạy dài từ phía tây sang phía đông. Năm 1803, vua Gia-Long đổi tên Gia Miêu ngoại trang thành Quý Hương, và huyện Tống Sơn thành Quý Huyện.
Cả 2 trang nội-ngoại Gia Miêu, xưa còn gọi là Bái Đáp.

Xưa, ôn-mệ dùng chữ Hán, Hán-Nôm để viết văn, văn tự, khế ước, .... và dùng trong sở học.
Truy nguyên, chữ Gia, chữ Miêu, trong hai bài văn bia của vua Minh-Mang và vua Thiệu-Trị:
Bài văn bia Minh lăng Trường Nguyên của vua Minh Mạng (khắc mặt trước bia, đặt ở lăng Trường-Nguyên):
世 祖 高 皇 帝 憑 藉 世 徳 應 天 順 人 復 宗 社 之 讎 绁 神 人 之 憤 天 下 大 定 建 廟 于 宋 山 嘉 苗 庄 追 尊帝 號 以 長 原 名 陵 表 諸 庥 之 所 自 也
Thế Tổ Cao Hoàng Đế bằng tạ thế đức ứng thiên thuận nhân phục tông xã chi thù tiết thần nhân chi phẫn thiên hạ đại định kiến miếu vu Tống Sơn Gia Miêu trang truy tôn Đế hiệu dĩ Trường Nguyên danh lăng biểu chư hưu chi sở tự dã.
Bài Ngự Thi của vua Thiệu-Trị cảm tác khi bái yết lăng Trường-Nguyên (khắc mặt sau bia đặt để ở lăng Trường Nguyên)
我 國 家 發 祥 于 清 省 宋 山 縣 嘉 苗 莊
Ngã quốc gia phát tường vu Thanh tỉnh Tống Sơn huyện Gia Miêu trang.
Văn, chữ đã rõ ràng, thử hiểu theo nghĩa Việt. Nghĩa Hán-Việt theo tự điển Thiều Chữu:
Gia ():
- Tốt, đẹp.
- Phúc, lành.
Miêu ():
- Lúa non, sơ sinh, mầm mống, ... (禾苗 hòa miêu : lúa non, 麥苗 mạch miêu : mạch non, 稻 苗 đạo miêu : mạ non) - Động vật mới sinh (魚苗 ngư miêu : cá giống)
- Nòi giống, ... (苗 裔 : miêu duệ, con cháu đời sau)
Gia Miêu: Khởi phát phúc lành.
Gia-Miêu trang: Vùng đất sắc phong khởi nguyên giòng họ tốt đẹp.

Xem thêm bài 29: Lăng Trường Nguyên
http://giaphatonthattho.blogspot.com/2012/05/bai-29-lang-truong-nguyen.html