Thứ Hai, 10 tháng 2, 2014

Bài 35 - Công-Nữ Nguyễn-Phúc Ngọc-Vạn

Nguyễn-Phúc Ngọc-Vạn
(阮福玉萬)
(Theo Nguyễn Phúc Tộc Thế Phả, bà là con gái thứ 2 của Đức Hy Tông, cùng mẹ với hoàng trưởng tử Nguyễn Phúc Kỳ)
Tạo dựng và duy trì là ý niệm, là ý muốn của ông bà xưa nay. Nói riêng về giai đoạn nhà Nguyễn trong chuỗi dài dựng nước và giữ nước của các triều đại, Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, trong sử Việt không ngừng chống giặc ngoại xâm, và phát triển, mở mang đất nước.
Giở lại sử cũ, tìm hiểu về lịch sử mở mang bờ cõi về phương nam của các triều đại sử Việt.
(Tổng hợp nhiều bài viết trên internet)

"- Kể từ thời Lê Đại Hành, nước Việt đã tiến đánh Chiêm Thành ổn định phía Nam trước khi dồn sức chống nhà Tống xâm lược.
- Đời Lý Thánh Tôn, đất nước mở rộng đến Quảng Bình và một phần Quảng Trị.
- Đời Trần Anh Tôn, nước Việt mở rộng tới Thừa Thiên (Cuộc hôn nhân giữa Huyền-Trân công chúa, 玄珍公主, 1287-1340 (con gái của vua Trần Nhân-Tông, là em gái của vua Trần Anh-Tông) và vua Chiêm-thành Chế-Mân (tiếng phạn Java: Sinhavarman III) đem lại cho nước Việt châu Ô, châu Lý (bắc Quảng-trị đến đèo Hải-vân thuộc Thừa-thiên)
- Đời Hồ Quí Ly, mở rộng đến Quảng Nam. 
- Đời Lê Thánh Tôn, chiếm một phần lãnh thổ Bồn Man, Lão Qua ở phía Tây và nhiều phần đất của Chiêm Thành ở phía nam Quảng Nam. 
- Đến đời các chúa Nguyễn thì nước Việt lấy hẳn nước Chiêm Thành. Và dần mở rộng lãnh thổ về Nam, chiếm cả vùng Thủy Chân Lạp của Kampuchea, đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Đồng Nai.
 Đó là cách duy nhất tổ tiên ta phải hành động để tăng trưởng sức mạnh của mình, để đấu tranh với các lân bang mà tồn tại. 
 Nhiều anh hùng, liệt nữ đã đóng góp trong công cuộc mở mang bờ cõi.
 Cũng như triều đại nhà Trần, các vị chúa nhà Nguyễn qua các cuộc hôn nhân với các triều vua của các nước lân bang để ổn định biên giới phía nam.
 Công nữ Ngọc Vạn được gả cho vua Chân Lạp là Chey Chetta 2 vào năm 1620 và được sắc phong hoàng hậu Chân Lạp. Khi vua Chey mất, hai người con của bà Chau Ponhea To rồi Chau Ponhea Nou lần lượt lên làm vua, và bà Ngọc Vạn trở thành thái hậu nước Chân Lạp.
(Công nữ  là từ để gọi con gái của một vị chúa, công chúa là con gái của vua. Sở dĩ sau này có người gọi công chúa Ngọc Vạn là cách gọi theo khi chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, thân phụ của vị công nữ này được nhà Nguyễn tôn phong là Hi Tôn Hiếu Văn hoàng đế.) 
 Qua quá trình 52 năm giữ vai quốc mẫu Chân Lạp, công nữ Ngọc Vạn đã làm được nhiều việc cho dân tộc Việt mà thiết tưởng không có ai khác của nước ta làm nổi:
  - Thứ nhất, xin với vua Chey cho người Việt di cư sang khai hoang sinh sống ở Mỗi Xuy (Bà Rịa) và Nông Nại (Đồng Nai) để rồi từ đó dân Việt tỏa rộng ra trên khắp miền Thủy Chân Lạp.
  - Thứ hai, xin phép cho di dân nước Việt được võ trang để tự vệ trên vùng đất Thủy Chân Lạp.
  - Thứ ba, xin phép vua Chey thành lập một sở thuế thương mại đầu tiên ở Prey Kor (Sài Gòn Chợ Lớn) làm đầu cầu chiến lược vững chắc cho chương trình di dân của người Việt vào đất Chân Lạp.
 Sau khi hai người con bà đã chết, mặc dù những người khác trong hoàng tộc thay nhau lên làm vua, bà Ngọc Vạn vẫn tiếp tục giữ ngôi vị thái hậu. Nhờ thế,  mỗi khi có chuyện tranh chấp nội bộ trong chính quyền Chân Lạp, bà Ngọc Vạn đã tham-vấn cho những người yếu thế chạy sang cầu cứu chúa Nguyễn. Các vị vương ổn định được đất nước họ qua sự trợ giúp của các chúa nhà Nguyễn đã đền đáp bằng các tặng phẩm đất đai, giúp nhà Nguyễn mở rộng cương thổ dần về phương nam.

(Sử triều Nguyễn tránh không nhắc đến công tích lẫn nhân vật công nữ Ngọc-Vạn là để tránh các nạn can-qua về sau. Nhưng sử Kampuchea và các nhà nghiên cứu về Đông Nam Á của phương tây đều có ghi chép. Và xưa nay, lịch sử đông-tây cũng không hiếm có các phụ nữ tham-chính, cũng như các cuộc hôn-nhân làm nên sự hòa hợp giữa 2 quốc gia, cũng như khuynh loát chính trị.
 Nhưng lịch sử phát triển đất Việt không thể phủ nhận công trạng lớn lao cho đất nước của công nữ Ngọc-Vạn).

Xem bài liên kết:
Bài 1-Phả Hệ Nguyễn-Phước Tộc.
Bài 3-Phả Đồ Nguyễn-Phước Tộc